Trên chặng đường xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ viên chức của Viện đã liên tục phấn đấu để hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là Viện nghiên cứu chuyên ngành của cả nước.
Những đóng góp khoa học của Viện trong những năm qua thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước và sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, văn hoá ở vùng dân tộc và miền núi qua từng thời kỳ.
Điều tra, nghiên cứu xác định thành phần các dân tộc ở Việt Nam là nhiệm vụ khoa học quan trọng của Viện Dân tộc học. Năm 1978, việc điều tra, nghiên cứu xác định thành phần dân tộc ở nước ta đã hoàn thành. Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam, gồm 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số được Nhà nước công nhận và Tổng cục Thống kê chính thức công bố ngày 2 tháng 3 năm 1979. Bản danh mục khẳng định tên gọi chính thức, số lượng các dân tộc, các nhóm địa phương, các ngữ hệ và các nhóm ngôn ngữ, địa bàn cư trú. Bản Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam đã được sử dụng và phục vụ có hiệu quả trong các cuộc tổng điều tra dân số toàn quốc.
Nghiên cứu cơ bản các dân tộc và văn hóa các dân tộc là hoạt động chuyên môn thường xuyên trong suốt chặng đường phát triển của Viện. Nội dung của các công trình nghiên cứu tập trung vào khảo cứu về các dân tộc, các nhóm dân tộc, từ tên gọi, phân bố, nguồn gốc lịch sử, các quá trình dân số tộc người, mối quan hệ giữa tộc người với môi trường, hoạt động kinh tế, các dạng thức văn hoá xã hội, văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, vấn đề tái định cư, mối quan hệ giữa các dân tộc... Các nghiên cứu cơ bản cũng đi sâu phân tích các thành tố văn hoá cụ thể để làm rõ tính thống nhất và sự đa dạng, bản sắc văn hoá của từng tộc người, phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc.
Nghiên cứu kinh tế-xã hội phục vụ công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi là hướng nghiên cứu quan trọng đã và đang được triển khai. Thành tựu khoa học nổi bật trên lĩnh vực này trước hết phải kể đến đóng góp của Viện trong việc chủ trì và thực hiện thành công đề tài cấp Nhà nước: Xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện chính sách đối với các dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế-xã hội ở miền núi nước ta. Viện cũng đã tham gia tích cực nhiều chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế-xã hội cấp nhà nước như: Chương trình Tây Nguyên I, Chương trình Tây Nguyên II, Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc... Kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nhận diện và đánh giá thực trạng phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá của các dân tộc thiểu số, từ đó đề xuất các luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định và cụ thể hoá các chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến dân tộc và miền núi, phù hợp với đặc điểm từng vùng và từng dân tộc.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện những thập kỷ gần đây được triển khai gắn liền với thực hiện các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về dân tộc như: Nghị quyết 22/ NQ-TW của bộ Chính trị ngày 27/7/1989 và Quyết định số 72/HĐBT ngày 13/03/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng khóa VIII về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Định hướng nghiên cứu khoa học chủ đạo là: tiếp tục triển khai nghiên cứu cơ bản về các tộc người, nhất là về văn hoá tộc người để thiết thực góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các tộc người, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu những vấn đề cụ thể, những vấn đề đặc thù của vùng, của tộc người, các đặc điểm kinh tế - xã hội của các tộc người gắn với sự biến đổi về dân số, di chuyển cư và môi trường sống để trực tiếp góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển vùng dân tộc và miền núi trong điều kiện mới.
Những đóng góp của Viện có tính lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững còn được khẳng định qua các nghiên cứu về thực trạng sử dụng đất đai ở một số tỉnh Tây Nguyên, di dân tự phát của các dân tộc thiểu số, những vấn đề tái định cư...
Nhiều cán bộ của Viện đã và đang tư vấn, đóng góp vào thành công của một số dự án phát triển ở vùng dân tộc và miền núi như: Đánh giá tác động kinh tế – xã hội của các dự án Thuỷ điện, nghiên cứu giáo dục, y tế của các dân tộc ở tiểu vùng sông Mê Kông; Đánh giá trang thiết bị y tế phục vụ công tác Dân số – KHHGD; Đánh giá tác động của chính sách giáo dục- y tế đối với trẻ em ở vùng núi, Chương trình 135, 134,132...