Phương thức mưu sinh của người nông dân trong một bối cảnh đổi thay năng động đầy thử thách trước khung cảnh thị trường hóa, toàn cầu hóa đã và đang hấp dẫn sự quan tâm của giới nhân học. Một nghiên cứu nhân học đáng chú ý mới đây đã ra mắt công chúng, hướng đến làm rõ vấn đề sinh kế và phương thức mưu sinh của người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong quá trình chuyển đổi từ làm nông nghiệp trồng lúa sang nuôi tôm. Cuốn sách “Từ lúa sang tôm: hành vi giảm thiểu rủi ro và khai thác vốn xã hội của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Ngô Thị Phương Lan dựa chủ yếu trên kết quả nghiên cứu bậc tiến sĩ của chị tại hai điểm nghiên cứu thuộc địa bàn hai tỉnh Long An và Cà Mau.
Ngô Thị Phương Lan đã kết hợp hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để tiếp cận nhân học theo lát cắt đồng đại một hiện tượng xã hội ở vùng ĐBSCL người nông dân chìm nổi cùng điệp khúc “trồng - chặt”, “trúng mùa - rớt giá”, để rồi người nông dân phải thường xuyên thay đổi phương thức mưu sinh của mình. Theo đó, người nông dân theo dòng chuyển đổi từ mô hình trồng lúa với chi phí đầu tư và hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi tôm với vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế cao nhưng cùng lúc cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong phương thức mưu sinh này. Nghiên cứu này tập trung vào hai câu hỏi nghiên cứu chính: thứ nhất, bản chất hành vi chấp nhận rủi ro của người nông dân trong việc thường xuyên thay đổi phương thức mưu sinh theo nhịp biến động của thị trường là gì?; thứ hai, các mối quan hệ xã hội có vai trò như thế nào trong hoạt động kinh tế của cộng đồng nông dân vùng tác giả nghiên cứu điền dã?.
Bằng cách lựa chọn hai điểm nghiên cứu (hai ấp) khá khác biệt theo hai mô hình nuôi tôm ở Long An và Cà Mau, Ngô Thị Phương Lan đã cung cấp một miêu tả dân tộc học chi tiết về phương thức mưu sinh của người nông dân ĐBSCL trên nhiều bình diện kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường dưới góc nhìn đối sánh không gian/khu vực. Nghiên cứu này cũng tiếp cận và đào sâu hơn những tiền đề gây tranh luận bấy lâu trong ngành Nhân học về tính duy lý hay duy tình của người nông dân Việt Nam được khởi xưởng bởi James Scott và Samuel Popkin. Trong khi Samuel Popkin nhận định về tính duy lý của người nông dân Việt Nam như là những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro do họ là những cá nhân tư lợi, luôn sẵn sàng tối đa hóa lợi nhuận của mình bất chấp họ ở tầng lớp và hoàn cảnh nào miễn là vị trí thành công của họ được đảm bảo thì James Scott biện giải khác rằng, đó là những người tránh rủi ro do họ là những người sống ở cận ngưỡng sinh tồn. Nhà nhân học nữ này đã phát hiện ra những biên độ còn bỏ ngỏ trong biện giải của Scott, tìm và làm rõ thêm mối liên hệ giữa phân tầng kinh tế và hành vi chấp nhận và phân tán rủi ro của người nông dân. Chị đóng góp thêm giá trị học thuật thông qua việc tiếp cận các nhóm xã hội khác nhau dựa trên cơ sở phân tầng kinh tế, rồi nhận định họ sẽ chịu những mức độ rủi ro khác nhau và sau cùng có những chiến lược ứng phó với rủi ro không giống nhau dựa trên nguồn vốn xã hội của mình như là một phương tiện thể hiện tính năng động trong một xã hội chuyển đổi. Cụ thể hơn, tác giả xem vốn xã hội là một nguồn lực (ẩn chứa trong các mạng xã hội) có khả năng là một lực hấp thụ các cú sốc cho các cá nhân, giúp các cá nhân đối phó với các rủi ro. Cách tiếp cận này phản ánh sự tiếp thu và chịu ảnh hưởng của lý thuyết gia Pierre Bourdieu, hướng đến nắm bắt mối liên hệ giữa nguồn vốn kinh tế và nguồn vốn xã hội trong trường hợp người nông dân ĐBSCL từ trồng lúa sang nuôi tôm. Trên mạch tư duy này, ấn phẩm của chị được kết cấu thành bốn chương gồm: Chương 1. Quá trình chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm và tổng quan về cộng đồng nông dân chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm ở ĐBSCL; Chương 2. Rủi ro và vốn xã hội: Khái niệm và các quan điểm lý thuyết; Chương 3. Hành vi giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh tế của nông dân nuôi tôm vùng ĐBSCL; Chương 4. Quan hệ xã hội và vốn xã hội trong hoạt động kinh tế của cộng đồng nông dân nuôi tôm vùng ĐBSCL.
“Từ lúa sang tôm: hành vi giảm thiểu rủi ro và khai thác vốn xã hội của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long” là một nghiên cứu nhân học mang hơi thở đương đại, tập trung tìm lời giải đáp cho một hiện tượng xã hội phổ biến ở vùng ĐBSCL một vài thập niên gần đây. Lựa chọn tiếp cận nghiên cứu sinh kế, trên nền phân tích tư duy giảm thiểu rủi ro và phân tán rủi ro, tác giả không chỉ tham gia và thêm giá trị vào cuộc tranh luận học thuật về nông dân, nông thôn Việt Nam mà còn hướng đến đóng góp những ý kiến tư vấn chính sách cho Nhà nước trong việc thực thi và đảm bảo môi trường phát triển ổn định bền vững cho người nông dân. Bằng một hệ thống dữ liệu nhân học đa nguồn, nhiều màu sắc, cuốn sách là một phác thảo đầy thú vị về các mảng màu đa sắc của một cộng đồng nông dân, nông thôn không tĩnh tại, thuần nhất và bất biến, vừa hài hòa vừa ẩn chứa đầy mâu thuẫn. Cuốn sách - một nghiên cứu nhân học đã bám sát và được định hướng rõ ràng bởi các khung lý thuyết mang tính hệ thống. Tác giả có cảm quan và trải nghiệm riêng, đóng góp những biện giải học thuật rất thú vị. Đồng thời, phần dữ liệu định tính được tác giả nhấn mạnh mức độ phong phú qua việc phân tầng các nhóm, nhưng dễ hiệu ứng ngược cho độc giả về việc lạm dụng nguồn dữ liệu này. Tựu trung, cuốn sách này là một tài liệu tham khảo bổ ích đối với các nhà nghiên cứu, những người hoạch định chính sách, các bạn học viên, sinh viên cùng những ai quan tâm đến nông nghiệp, nông dân nông thôn Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi.
Nguyễn Anh Tuấn