Tổ chức xã hội và sự vận hành của các mô hình khác nhau ở các tộc người khắp nơi trên thế giới, từ khi hình thành ngành Nhân học, đã thu hút mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Ở Việt Nam, mô hình tổ chức xã hội của nhiều dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên được nhiều học giả nước ngoài (Dourisboure, 1873; J. B. Guerlach, 1884, P. Guilleminet, 1943, 1963; Gerard C. Hickey, 1967) hay các học giả Việt Nam (Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, Toan Ánh, Đặng Nghiêm Vạn, Lưu Hùng…) quan tâm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vùng Trường Sơn - Tây Nguyên chịu sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố nội ngoại sinh, khiến diện mạo tổ chức xã hội tộc người đã và đang có những thay đổi. Thực tế là cho đến nay, vẫn còn thiếu vắng một nghiên cứu có tính hệ thống và toàn diện về tổ chức xã hội của người Ba-na1 từ sau Đổi mới. Công trình này của học giả Bùi Minh Đạo đã góp phần bổ sung cho khoảng trống học thuật vừa nêu trên. Hơn nữa, nghiên cứu này lắng đọng những trải nghiệm một đời nghiên cứu gắn bó với đất và người Ba-na của chính tác giả.
Cùng với những trải nghiệm trên vùng Tây Nguyên, nghiên cứu này là thành quả của một cuộc điều tra khảo sát điền dã trong hai năm (2012 - 2013) của tác giả tại 8 thôn buôn Ba-na của tỉnh Gia Lai. Nghiên cứu này nhận diện một số vấn đề về quản lý xã hội vùng người Ba-na ở Gia Lai, dưới nhãn quan của tác giả, có sự khác biệt giữa hai khu vực phía Đông và phía Tây, giữa hệ thống quản lý xã hội quan phương theo các cấp hành chính và hệ thống phi quan phương ở cấp thôn. Nghiên cứu tập trung vào những phân tích mang tính cấu trúc và tương tác giữa các hợp phần của mô hình quản lý xã hội vùng người Ba-na. Trong đó, nghiên cứu làm rõ thực trạng quản lý xã hội quan phương (của các tổ chức Đảng, chính quyền, và các đoàn thể) ở dân tộc Ba-na tại điểm nghiên cứu; ảnh hưởng quản lý xã hội phi quan phương (của các tổ chức xã hội truyền thống, tổ chức và giáo đoàn Công giáo, Tin Lành) ở vùng này; xác định những vấn đề quản lý xã hội và đề xuất những quan điểm giải pháp kiến nghị làm cở sở khoa học cho việc xây dựng chính sách quản lý xã hội ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung.
Cuốn sách gồm ba nội dung chính: 1) Một số vấn đề lý thuyết và khái quát về dân tộc Ba-na ở tỉnh Gia Lai; 2) Thực trạng quản lý xã hội ở dân tộc Ba-na tỉnh Gia Lai hiện nay; và 3) Vấn đề, xu hương, kiến nghị và giải pháp quản lý xã hội ở vùng dân tộc Ba-na tỉnh Gia Lai hiện nay.
Trong nghiên cứu này, tác giả thừa nhận rằng ở vùng tộc người Ba-na đã và đang có những vấn đề về quản lý xã hội chia theo khu vực địa lý (Đông - Tây) và theo trục dọc (quan phương - phi quan phương). Kết luận chung rút ra từ cuốn sách là ở khu vực này hiệu quả công tác quản lý xã hội trên nhiều phương diện (y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo…) còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Phân cấp vấn đề, tác giả chỉ ra rằng, so với yêu cầu thực tiễn và so với người Kinh, đội ngũ cán bộ quản lý người Ba-na còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn (nghiệp vụ quản lý hành chính), đặc biệt là ở tuyến cơ sở. Do đó, nếu không sớm có biện pháp khắc phục sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến công tác quản lý các lĩnh vực khác trong xã hội: i) kinh tế; ii) xã hội (quan hệ dân tộc, an ninh chính trị, tệ nạn xã hội); iii) tôn giáo mới; và iv) văn hóa truyền thống.
Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất 7 kiến nghị trong việc điều chỉnh mô hình quản lý tổ chức xã hội vùng người Ba-na ở Gia Lai, kèm theo hệ thống bốn giải pháp có tính tương hỗ đồng bộ, nhấn mạnh vai trò của giáo dục và trang bị hoàn thiện kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cho hệ thống cán bộ cấp cơ sở. Các giải pháp cụ thể gồm: 1) Đẩy mạnh phát triển giáo dục, nhất là hệ thống trường nội trú đào tạo liên thông đến tốt nghiệp trung học phổ thông; 2) Sớm thành lập trường đại học dân tộc Tây Nguyên; 3) Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ quản lý nhà nước và lý luận chính trị cho lớp cán bộ đương chức cấp cơ sở và thôn làng; 4) Bên cạnh việc tôn trọng và tôn vinh cho những người uy tín, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng hơn cho các già làng; trong đó, giải quyết phụ cấp cho các già làng lồng ghép chương trình chức danh già làng với các chức danh có phụ cấp.
“Quản lý xã hội ở dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai trong bối cảnh phát triển bền vững” là một nghiên cứu dân tộc học hướng đến các bài toán xã hội đương đại, tập trung tìm lời giải đáp cho sự thiếu hiệu quả trong mô hình tổ chức và quản lý xã hội vùng người Ba-na ở tỉnh Gia Lai trong một vài thập niên gần đây. Bùi Minh Đạo, với tư cách là một chuyên gia dân tộc học về vùng Tây Nguyên nói chung và người Ba-na nói riêng, đã có những đóng góp trong việc cung cấp thêm những cứ liệu khoa học và thực tiễn về vấn đề quản lý xã hội vùng địa lý này; đồng thời, tác giả còn có những phản biện chính sách cho Nhà nước trong việc thực thi và xây dựng một định hướng quản lý xã hội hiệu quả và bền vững hơn. Cuốn sách này là một tài liệu tham khảo bổ ích đối với các nhà nghiên cứu, những người hoạch định chính sách, các bạn học viên, sinh viên cùng những ai quan tâm đến người Ba-na và mô hình quản lý xã hội vùng Tây Nguyên hiện nay.
Nguyễn Anh Tuấn