Điểm sách: Văn hóa với phát triển bền vững ở vùng biên giới Việt Nam

26/03/2015

Trong khoảng 3 thập kỷ trở lại đây, vai trò của văn hóa ngày càng được đề cao. Việt Nam coi văn hóa là một trong năm trụ cột của phát triển bền vững (bốn trụ cột khác là tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, giữ gìn nguồn tài nguyên và môi trường, ổn định chính trị), văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Tuy nhiên, trong sự phát triển của các vùng, các địa phương, văn hóa có đặc điểm và vị trí khác nhau, phụ thuộc vào vị thế địa - chính trị, địa - văn hóa của mỗi vùng. Các vùng biên giới của nước ta có đặc điểm nổi bật là đa dạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tộc người, trong đó nhiều tộc người có đồng tộc sinh sống ở bên kia biên giới của các nước láng giềng. Biên giới là “cửa ngõ” quan trọng, thường xuyên đón nhận giao lưu văn hóa giữa các tộc người, các quốc gia. Trong quá trình giao lưu đó, biên giới văn hóa nhiều khi không trùng với biên giới quốc gia và “ưu thế” về văn hóa thường nằm ở các “cường quốc văn hóa” hay ở văn hóa của đồng tộc có dân số vượt trội đang sinh sống ở bên kia biên giới. Sự phát triển của văn  hóa  ở các vùng biên giới không chỉ phụ thuộc vào chính sách văn hóa của quốc gia, mà còn chịu tác động của quan hệ quốc tế, nhất là vào chính sách vùng biên trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa của các nước láng giềng. Văn hóa ở vùng biên giới, nhất là văn hóa tộc người và văn hóa quốc gia đi theo đúng “quỹ đạo quốc gia” hay bị “nhiễu loạn” từ các tác động bên ngoài không chỉ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng. Tóm lại, văn hóa có vai trò vô cùng to lớn trong sự phát triển của các vùng biên giới.

 

Trong bối cảnh trên, cuốn sách Văn hóa với phát triển bền vững ở vùng biên giới Việt Nam do PGS.TS. Vương Xuân Tình chủ biên là nghiên cứu góp phần giải quyết những     vấn đề về lý luận và thực tiễn cho phát triển văn hóa vùng biên giới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Cuốn sách là sản phẩm của đề tài cấp Bộ Một số vấn đề cơ bản về văn hóa trong phát triển bền vững ở các vùng biên giới Việt Nam của nhóm tác giả. Sách dài 270 trang, ngoài Lời nói đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung cuốn sách   được   chia  làm 5  chương.  Chương 1 về tổng quan tài liệu nghiên cứu, cách tiếp cận  nghiên cứu và các khái niệm, Chương 2 giới thiệu khu vực biên  giới của  Việt  Nam và các điểm nghiên cứu, Chương 3 dựa trên bốn yếu tố cơ bản của văn hóa ở vùng biên là văn hóa tộc người, văn hóa quốc gia, văn hóa đại chúng và văn hóa ngoại lai. Qua đó, cuốn sách lần lượt phản ánh thực trạng văn hóa trong bối cảnh phát triển bền vững ở các vùng biên giới Việt - Trung, Việt - Lào và Việt Nam - Campuchia. Cuối mỗi mục, sách đều dành ít trang “nhìn lại các yếu tố văn hóa ở cả ba khu vực biên giới” để người đọc có một cái nhìn khái quát. Sách chỉ rõ, văn hóa tộc người ở cả ba vùng vẫn giữ được nhiều nét bản sắc, giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm sinh kế, cố kết cộng đồng, ổn định xã hội, là cơ sở để mở rộng quan hệ dân tộc xuyên biên giới; song cũng tạo điều kiện cho một số hoạt động phi pháp. Văn hóa quốc gia được chú trọng, song chưa đậm nét, chưa được chú trọng ở tầm lý luận. Văn hóa hóa đại cương đã có bước phát triển, song mới ở bề rộng mà chưa có bề sâu. Văn hóa ngoại lai đang phát triển mạnh, tác động tích cực và tiêu cực đến các khía cạnh đời sống.

 

Từ thực trạng văn hóa ở ba tiểu vùng biên giới trên đây, Chương 4 đi sâu phân tích ảnh hưởng của văn hóa đến phát triển bền vững đối với mỗi tiểu vùng trên các phương diện: phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; mỗi phương diện lại được cụ thể hóa bằng nhiều khía cạnh khác nhau, cả mặt tích cực và những mặt trái của những ảnh hưởng đó. Thực trạng này là cơ sở để nhóm tác giả đi sâu phân tích mối quan hệ giữa văn hóa các tộc người với tình hình và bối cảnh mới trước yêu cầu phát triển bền vững ở các vùng biên giới hiện nay.

 

Kết luận của sách chỉ rõ, trong phát triển bền vững vùng biên giới hiện nay, văn hóa như là một nguồn vốn đảm bảo sự cố kết, ổn định xã hội, là một trong những phương tiện quan trọng và hữu hiệu để gắn kết nội bộ tộc người, cố kết các tộc người với nhau và với quốc gia Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế; song văn hóa cũng có thể làm phân hóa cộng đồng, tiếp tay cho những tiêu cực và tệ nạn xã hội.

 

Đóng góp về phương diện lý luận của sách là đưa ra bốn loại hình văn hóa tồn tại ở vùng biên giới, trong đó văn hóa tộc người văn hóa quốc gia có ý nghĩa quyết định, tác động đến phát triển bền vững ở vùng này, được đặt trong tương quan với văn hóa đại chúngvăn hóa ngoại lai. Từ đó, các tác giả cho rằng, về mặt thực tiễn, vấn đề cơ bản của văn hóa trong phát triển bền vững ở vùng biên giới là cần tăng cường yếu tố văn hóa quốc gia, giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hóa tộc người; đồng thời nâng cao văn hóa đại chúng và đẩy lùi ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại lai. Có như vậy, văn hóa mới trở thành “quyền lực mềm”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cố kết lòng dân, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Từ đó, cuốn sách đưa ra một số khuyến nghị về phát triển văn hóa ở vùng biên giới hiện nay, trong đó chú trọng đến xây dựng hệ thống lý luận và quy hoạch phát triển văn hóa ở vùng biên giới mang tầm chiến lược để đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Cuốn sách góp thêm một tiếng nói trong nghiên cứu đề tài văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay.


Bùi Xuân Đính


Các tin đã đưa ngày: