Trước hết, cuốn sách là nỗ lực nghiên cứu dài hạn của tác giả Phan Thị Yến Tuyết. Xác lập mối quan tâm cho vấn đề này từ năm 2005, Phan Thị Yến Tuyết và cộng sự đã tiếp cận cộng đồng, thu thập dữ liệu một cách có hệ thống tại 22 xã, thị trấn thuộc 9 tỉnh có biển tại Nam Bộ gồm TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Cuốn sách ngoài Lời nói đầu và Kết luận, được kết cấu thành 4 chương, gồm: Chương 1. Cơ sở lý thuyết và khái quát về vùng biển Nam Bộ; Chương 2. Đời sống xã hội của cư dân vùng biển Nam Bộ; Chương 3. Đời sống kinh tế của cư dân vùng biển Nam Bộ; Chương 4. Đời sống văn hóa của cư dân vùng biển Nam Bộ. Tác giả đã kết hợp hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để tiếp cận nhân học về không gian biển Nam Bộ theo lát cắt về thời gian (5 năm, 2008 - 2012).
Chương 1 giới thiệu về cơ sở lý thuyết, các khái niệm học thuật liên quan và một số nét khái quát chung về vùng biển Nam Bộ. Phần đầu của chương xác lập khung lý thuyết và giới hạn những phạm vi nghiên cứu. Tác giả lưu ý độc giả năm điểm về khái niệm sử dụng và khuynh hướng lý thuyết như “vùng biển”, “nhân học biển”, “giới và tôn giáo”, “chức năng luận” và “nhân học phê phán”.
Phần kế tiếp giới thiệu một cách khái quát về vùng biển của 9 tỉnh thành Nam Bộ, cung cấp cho bạn đọc một hình dung về bối cảnh cụ thể những nơi tác giả và cộng sự đã nghiên cứu. Các phương pháp nghiên cứu, các nguyên tắc chọn điểm và mẫu nghiên cứu cũng được đề cập ở cuối chương. Tập hợp các điểm nghiên cứu được tác giả phân biệt bằng các mô hình hệ sinh thái gồm: hệ sinh thái - kinh tế đảo; hệ sinh thái - kinh tế rừng; và nhóm ba tiểu vùng cộng đồng ngư dân và cư dân.
Chương 2 đề cập đến một số vấn đề xã hội của ngư dân Nam Bộ. Trong mối quan tâm về Nhân học biển, Phan Thị Yến Tuyết và các cộng sự xem xét các vấn đề xã hội từ sáu nhóm vấn đề chính gồm: dân số - dân cư - cơ cấu gia đình; cơ cấu lao động và nguồn nhân lực; mức sống và phân tầng thu nhập; môi trường và các vấn đề xã hội; một số vấn đề về mối quan hệ xã hội; vấn đề biến đổi khí hậu. Các tác giả chỉ ra rằng, cộng đồng ngư dân Nam Bộ trong hoạt động mưu sinh ở vùng biển đã và đang trải qua rất nhiều thử thách. Đối diện với những khó khăn, về mặt xã hội, họ đã thể hiện một tinh thần thích ứng khá năng động.
Chương 3 thảo luận về đời sống kinh tế của cư dân vùng biển Nam Bộ ở các chiều cạnh như hoạt động khai thác thủy hải sản, các nghề điển hình của ngư dân (nuôi trồng thủy hải sản, làm muối, tiểu thủ công) và du lịch biển. Tác giả hướng mối quan tâm đến hệ thống ngư cụ, tàu ghe để tìm mối liên hệ với sự sáng tạo của cộng đồng ngư dân vùng biển. Trong khi thừa nhận việc hình thành nên một nguồn tri thức địa phương giá trị, phản ánh sự thích ứng năng động của ngư dân, tác giả cũng chỉ ra hệ lụy đáng lo ngại của sự khai thác cạn kiệt tài nguyên. Các nghề của ngư dân và cư dân vùng biển ẩn chứa nhiều rủi ro, bấp bênh và kéo theo nhiều tác động về mặt môi trường. Trong các hoạt động kinh tế, dưới lăng kính giới, tác giả đánh giá vai trò kinh tế và quyền lực của người phụ nữ ngày càng được khẳng định. Nỗ lực xây dựng du lịch biển, bên cạnh những thành công, cũng đặt cộng đồng trước những vấn nạn đáng lo ngại do sự thiếu quy hoạch và quản lý thiếu chuyên nghiệp.
Chương 4 khảo tả về đời sống văn hóa phong phú đa dạng của cộng đồng cư dân vùng biển Nam Bộ, như: hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội; văn học; nghệ thuật; tri thức bản địa và văn hóa ẩm thực. Chương 4 là sự phác họa “văn hóa biển” với sự đa dạng về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của các cộng đồng tộc người tại vùng biển Nam Bộ. Đáng chú ý, Phan Thị Yến Tuyết cho rằng, trong văn hóa biển, yếu tố giới và việc tăng cường thực hành nghi lễ chiếm ưu thế nổi trội trong đời sống tâm linh của cư dân.
Trong phần kết luận, tác giả tóm lược lại ba điểm then chốt từ nghiên cứu về đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ. Thứ nhất, tác giả cho rằng cư dân và ngư dân vùng biển Nam Bộ đã trải nghiệm và thích nghi với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại đây trong thời gian dài, sáng tạo nên những dạng thức văn hóa đặc trưng. Dưới nhãn quan sinh thái tộc người, những cư dân này hình thành nên hệ thống tri thức bản địa về ứng xử môi trường, tổ chức và xứng xử xã hội và văn hóa. Tiếp cận nghiên cứu vốn tri thức địa phương của cộng động, tác giả nhấn mạnh yếu tố giới có vị thế nổi trội. Cụ thể hơn, tác giả cho rằng tri thức bản địa thuộc về kỹ năng của các nam ngư dân hơn là nữ ngư dân. Đồng thời, tác giả gợi ý rằng các nhà nhân học nên chú ý nhiều hơn đến tri thức địa phương thuộc “bề chìm” trong vấn đề mưu sinh trên biển qua cách thức luận giải người trong cuộc/người ngoài cuộc trên cơ sở sinh thái tộc người.
Bên cạnh những đặc trưng văn hóa vùng biển, cộng đồng cư dân đã biết vận dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ để tăng tính thích nghi với biển cả và sản lượng thủy hải sản đánh bắt cũng như giảm thiểu rủi ro nghề nghiệp trên biển. Chính trong môi cảnh sống nhiều bấp bênh và rủi ro này, tác giả nhận thấy mối liên hệ với sự phổ quát của niềm tin và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng cư dân tại chỗ vùng biển Nam Bộ.
Đời sống kinh tế của cộng động ngư dân và cư dân biển vùng Nam Bộ đang có nhiều thay đổi khác với truyền thống. Trong cuốn sách này, thành tích kinh tế của họ được đánh giá là không thua kém thách tích về mặt nông nghiệp của nông dân cùng địa bàn. Đặc biệt, vai trò người phụ nữ trong cộng đồng, gia đình ngày càng được xác lập vững chắc hơn. Việc phát triển ngành nghề thủ công, nuôi thủy hải sản đã làm thay đổi diện mạo đơn nhất của các làng chài truyền thống, đa sạng sinh kế và cảnh quan. Trong hệ kinh tế biển đảo, tác giả đánh giá cao nhất vai trò ngành công nghiệp không khói, du lịch biển, du lịch sinh thái. Trong tính tương quan giữa các thành tố, Phan Thị Yến Tuyết chỉ ra tầm quan trọng đặc biệt của nghề cá ở biển, vì nếu hoạt động này giảm sút hay mất đi có nghĩa là một bộ phận không nhỏ cư dân trong vùng cũng thất nghiệp và đói kém.
Sau cùng, những khía cạnh của việc đánh bắt bất hợp pháp, khai thác tận thu, phát triển khu công nghiệp, đặc khu hành chính hay việc quản lý tài nguyên, ô nhiễm môi trường, phá rừng phòng hộ để nuôi thủy hải sản... cũng là những vấn đề cần xem xét liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của cư dân và ngư dân vùng Nam Bộ.
Nhìn chung, “Đời sống xã hội - kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ” là một nghiên cứu nhân học nhận diện một cách khái quát văn hóa biển ở Nam Bộ. Lựa chọn tiếp cận nghiên cứu vấn đề dưới khung lý thuyết nhân học biển và sinh thái văn hóa, tác giả không chỉ tham gia và thêm giá trị nghiên cứu vào các chủ đề kinh tế, xã hội và văn hóa mà còn hướng đến đóng góp những ý kiến tư vấn chính sách cho Nhà nước trong việc thực thi và đảm bảo môi trường phát triển ổn định bền vững cho cộng đồng cư dân tại chỗ vùng biển Nam Bộ. Cuốn sách là một phác thảo đầy thú vị về các mảng màu đa sắc của các cộng đồng ngư dân, cư dân vùng biển Nam Bộ đầy tính năng động ứng phó với những thử thách để mưu sinh. Cuốn sách là kết quả một nghiên cứu nhân học dài hạn, bám sát và được định hướng rõ ràng bởi các khung lý thuyết mang tính hệ thống. Chắc chắn, đây sẽ là một tài liệu tham khảo có giá trị đối với những người quan tâm đến đời sống ngư dân, cư dân vùng biển Nam Bộ. Tựu trung, cuốn sách này là một tài liệu tham khảo bổ ích đối với các nhà nghiên cứu, những nhà hoạch định chính sách, các bạn học viên, sinh viên cùng những ai quan tâm đến Nhân học biển, Nhân học sinh thái, đời sống cư dân và ngư dân vùng biển Nam Bộ Việt Nam hiện nay.