Điểm sách:Tôn giáo, tín ngưỡng các dân tộc ở Việt Nam

01/02/2016

Tôn giáo, tín ngưỡng các dân tộc ở Việt Nam là chủ đề có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà dân tộc học, nhân học Việt Nam và nước ngoài. Trong vài thập kỷ gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những khía cạnh sắc màu của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng các tộc người ở Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về những cuốn giáo trình chuyên ngành nhân học nói chung và về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng là cần thiết. Cuốn giáo trình  dành cho  bậc sau đại học “Tôn giáo, tín ngưỡng các dân tộc ở Việt Nam” do PGS. TS. Nguyễn Văn Minh biên soạn đã góp phần cung cấp cho người học, bạn đọc những kiến thức hữu ích liên quan đến chủ đề này.

Giáo trình “Tôn giáo, tín ngưỡng các dân tộc ở Việt Nam” được thiết kế và sử dụng làm tài liệu phục vụ học tập nghiên cứu cho học viên sau đại học tại Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cuốn sách được chia thành 5 chương gồm: Chương 1. Một số vấn đề chung về tôn giáo, tín ngưỡng; Chương 2. Các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống; Chương 3. Các tôn giáo đã được nhà nước công nhận; Chương 4. Ảnh hưởng của các tôn giáo tín ngưỡng và Chương 5. Một số xu hướng biến đổi của tôn giáo, tín ngưỡng. Cuối mỗi chương, tác giả cung cấp một số câu hỏi hướng dẫn nghiên cứu liên quan đến phần nội dung của chương sách, giúp học viên và bạn đọc nắm bắt được những nội dung chính yếu.

Chương 1. Một số vấn đề chung về tôn giáo, tín ngưỡng - tác giả dành giới thiệu những vấn đề mang tính lý luận. Ngoài việc giới thiệu các khái niệm cơ bản có tính công cụ dưới nhiều quan điểm của các học giả khác nhau trên thế giới, tác giả trình bày về hình thức và cấp độ đầu tiên, bản chất và nguồn gốc, chức năng và vai trò, hệ thống phân loại, các mối quan hệ, tương lai và thế ứng xử, các vấn đề liên quan đến chính sách tôn giáo, tín ngưỡng cũng như một số vấn đề về phương pháp luận và 9 hướng tiếp cận tôn giáo phổ biến trong nghiên cứu dân tộc học/nhân học. Đáng chú ý, tác giả đã chỉ ra sự khác biệt nhất định giữa dân tộc học và nhân học khi tiếp cận nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng. Theo đó, dân tộc học truyền thống thường  tiếp  cận  theo  hướng nghiên cứu thực địa và tiến hành miêu thuật diễn tiến các sự kiện/hiện tượng (đặc biệt là nghi lễ) một cách riêng lẻ. Do đó, theo tác giả, sự hạn chế là kết quả nghiên cứu thiếu tính so sánh. Nhân học, ngoài sự quan tâm đến quá khứ, còn mở rộng biên độ về thời gian, đối tượng, phạm vi và cách tiếp cận, so sánh có hệ thống với các mối quan hệ tương tác đa chiều, kết hợp nghiên cứu cụ thể tại thực địa với tổng kết lý luận.

Dựa trên quan điểm và nguyên tắc phân loại tôn giáo, tín ngưỡng của Chính phủ Việt Nam, Chương 2 và 3 được thiết kế với hai phạm trù: “Các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống” và “Các tôn giáo đã được nhà nước công nhận”. Tác giả dành nội dung Chương 2 giới thiệu về 7 loại hình tôn giáo, tín ngưỡng tiêu biểu của các dân tộc ở Việt Nam, gồm: i. Hồn linh giáo; ii. Tô tem giáo; iii. Bái vật giáo, shaman giáo, phép phù thủy và ma thuật; iv. Đa thần giáo; v. Quan niệm về cái chết, các hình thức tang ma và sự thờ cúng tổ tiên, vi. Đạo Thánh; vii. Đạo Mẫu. Chương 3 giới thiệu đến độc giả 13 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận gồm: Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo, Tin Lành, Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Đạo Baha’i, Minh Sư đạo, Minh Lý đạo và Đạo Bàlamôn.

Chương 4 đề cập đến 10 khía cạnh ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc ở Việt Nam, cụ thể là: đời sống văn hóa nghệ thuật, ngôn ngữ và chữ viết, giá trị và bản sắc văn hóa, đạo đức và lối sống, quan hệ cộng đồng, dòng họ và gia đình, hôn nhân và gia đình, công tác tổ chức và quản lý xã hội, đời sống kinh tế, đời sống chính trị, nhân quyền và tự do ngôn luận. Có thể thấy, các khía cạnh này phản ánh đa dạng các mức độ và phạm vi ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng: tộc người, cộng đồng quốc gia đa tộc người và quốc tế.

Trong Chương 5, tác giả tổng kết một số xu hướng biến đổi của tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống các dân tộc ở Việt Nam. Hai khía cạnh chủ yếu được được đề cập là: i. Một số xu hướng biến đổi chủ yếu; ii. Một số yếu tố tác động đến các xu hướng biến đổi. Tác giả hạn định việc phân biệt rạch ròi xu hướng biến đổi và nguyên nhân biến đổi của từng tôn giáo, tín ngưỡng ở từng dân tộc, từng vùng miền là điều không thể, nên tập trung vào 5 xu hướng biến đổi chủ yếu: i. Thế tục hóa; ii. Phục hưng các tôn giáo thế giới; iii. Dân tộc hóa và phục hồi các tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống; iv. Tin vào những hiện tượng thần bí và khả năng siêu phàm; v. Xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới.

 “Tôn giáo tín ngưỡng các dân tộc ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Văn Minh là một giáo trình sau đại học cung cấp đầy đủ thông tin cùng những phân tích, đánh giá tổng quát nhiều chiều cạnh của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng các tộc người ở Việt Nam. Cuốn sách kết hợp trình bày các vấn đề lý luận, minh họa cụ thể với các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng thực tế ở các tộc người tại Việt Nam. Cuốn giáo trình này là một tài liệu tham khảo bổ ích đối với các nhà nghiên cứu, những người hoạch định chính sách, các học viên, sinh viên ngành Nhân học cùng những ai quan tâm đến vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng các dân tộc ở Việt Nam.


Nguyễn Anh Tuấn


Các tin đã đưa ngày: