Kính gửi: Các nhà khoa học
Từ năm 2004 đến nay, Viện Dân tộc học đã tái tổ chức thành công Hội nghị Dân tộc học Quốc gia thường niên, thu hút được sự tham gia đông đảo và hiệu quả của các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực dân tộc học và công tác dân tộc ở Trung ương và nhiều địa phương trên cả nước.
Tiếp nối kết quả của Hội nghị những năm qua, năm 2024 Viện Dân tộc học đã lựa chọn chủ đề Hội nghị Dân tộc học Quốc gia thường niên “Một số vấn đề dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị ở nước ta hiện nay”. Mục đích của Hội nghị nhằm góp phần: i) Nhận diện những vấn đề dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh chính trị ở nước ta hiện nay, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, ven biển và hải đảo; ii) Đánh giá ảnh hưởng của các vấn đề dân tộc đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, chính trị ở nước ta hiện nay; iii) Phân tích các yếu tố tác động và dự báo những xu hướng của các vấn đề dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, chính trị ở nước ta thời gian tới; và iv) Cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện và thực hiện chính sách dân tộc, giải quyết các vấn đề dân tộc ở nước ta, góp phần phát triển bền vững các tộc người, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, Hội nghị năm 2024 tập trung vào một số chủ đề và nội dung chính sau đây:
Chủ đề 1: Các vấn đề mới về lý luận, lý thuyết, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu trong Dân tộc học/Nhân học trên thế giới.
Chủ đề 2: Các vấn đề lý luận và thực tiễn về hòa hợp dân tộc và đoàn kết dân tộc trên thế giới và ở Việt Nam.
Chủ đề 3: Các vấn đề về ý thức tộc người và ý thức quốc gia - dân tộc; quá trình tộc người và vai trò của các tộc người trong tiến trình phát triển của quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay (nhất là của các tộc người ở vùng biên giới, các bộ phận cư dân ven biển và hải đảo và cư dân ven biển,…); quan hệ dân tộc (gia tăng sự liên kết, cố kết thân tộc, đồng tộc, đồng đạo ở trong nội vùng, liên vùng, liên biên giới, xuyên quốc gia; quan hệ giữa người các dân tộc; quan hệ giữa người dân các tộc người với hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ; xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới nói chung và làm công tác dân tộc nói riêng;…
Chủ đề 4: Các vấn đề về sinh kế hiện nay của các tộc người; những biến đổi về cơ cấu kinh tế và hoạt động sinh kế ở các tộc người; các vấn đề kinh tế liên biên giới và xuyên quốc gia của các tộc người; tác động của các yếu tố chính sách, tài nguyên, biến đổi khí hậu, tình hình kinh tế, chính trị ở khu vực và thế giới (tình trạng thiếu đất sản xuất, thu hẹp môi trường sống và không gian sinh tồn của các tộc người, sự tác động của đại dịch Covid - 19, của “hàng rào” ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc,…) đến phát triển sinh kế bền vững ở các tộc người trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.
Chủ đề 5: Các vấn đề về xã hội tộc người (cấu trúc xã hội, phân tầng xã hội, giá trị xã hội, định chế xã hội, quan hệ xã hội, đói nghèo, an sinh xã hội, an ninh con người); giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe và phát triển nguồn nhân lực (khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và công tác giáo dục, đào tạo, gắn với chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ vùng dân tộc thiểu số,...); cơ cấu và phân bố tộc người, dân số, dân cư, lao động, việc làm và thu nhập (tình trạng thất nghiệp, di cư lao động, các động thái dân số mới dẫn đến sự tái phân bố lại dân cư, dân tộc ở trong nước và di cư quốc tế,...); hôn nhân, gia đình (tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hôn nhân hỗn hợp dân tộc, hôn nhân với người nước ngoài, hôn nhân xuyên biên giới,...); tệ nạn xã hội và tội phạm (buôn lậu, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, khai thác tài nguyên trái phép,...);...
Chủ đề 6: Các vấn đề về bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tộc người; bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tộc người gắn với đẩy mạnh chiến lược xây dựng nền văn hóa quốc gia Việt Nam thống nhất trong đa dạng; sự phát triển các tôn giáo và xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng tôn giáo mới, sự biến mất hoặc chuyển đổi của các hình thức tín ngưỡng truyền thống; việc hình thành các cộng đồng tôn giáo theo tộc người, liên tộc người, liên vùng, liên biên giới và xuyên quốc gia; mối quan hệ giữa văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo với đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người;...
Chủ đề 7: Các vấn đề về môi trường, quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; tình trạng suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, thiên tai và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, điện khí hóa; khai thác và buôn bán nông lâm sản phi pháp ở trong nước và xuyên biên giới; các vấn đề mâu thuẫn trong quản lý các nguồn tài nguyên, nhất là đất, rừng, nước...; và sự tác động của những vấn đề này đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các tộc người, đến an ninh, chính trị ở vùng dân tộc thiểu số, biên giới, ven biển và hải đảo của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để Hội nghị được thành công tốt đẹp, Viện Dân tộc học trân trọng kính mời ………………………………………… viết bài tham gia Hội nghị Dân tộc học Quốc gia thường niên năm 2024 theo các chủ đề và nội dung nêu trên. Toàn văn các báo cáo đạt yêu cầu sẽ được chọn biên tập và xuất bản Kỷ yếu vào năm 2025 tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Báo cáo xin gửi về địa chỉ email: viendantochoc@gmail.com trước ngày 10 tháng 10 năm 2024 để kịp chuẩn bị tài liệu phục vụ Hội nghị dự kiến tổ chức vào tuần cuối tháng 10 năm 2024 tại Hà Nội. Nhằm đảm bảo chất lượng và thể thức của bài viết để xuất bản, Viện Dân tộc học xin gửi kèm theo Thể lệ viết bài cho Hội nghị để quý vị tham khảo.
Cũng như những năm trước, Kỷ yếu Hội nghị Dân tộc học Quốc gia thường niên năm 2023 với chủ đề “Một số vấn đề mới về dân tộc ở nước ta hiện nay” có 68 bài đã được lựa chọn biên tập gửi tới Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Tại Hội nghị năm 2024, Kỷ yếu này sẽ chính thức được phát hành.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ qua e-mail: viendantochoc@gmail.com hoặc điện thoại trực tiếp với PGS.TS. Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng: 097.502.8399 và TS. Bùi Thị Bích Lan - Phó Viện trưởng: 091.279.4888 hoặc TS. Nguyễn Thẩm Thu Hà - Trưởng phòng Phòng Hành chính – Tổng hợp: 098.528.6165.
Viện Dân tộc học rất mong nhận được sự ủng hộ, hợp tác của quý vị.
Xin trân trọng cảm ơn!
VIỆN TRƯỞNG
PGS.TS. Nguyễn Văn Minh