Theo tác giả, với tiếp cận biên giới không phải nơi chia tách mà là không gian xã hội, nghiên cứu quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc được nhìn nhận qua ba lý thuyết: lý thuyết không gian thứ ba (Theory of third space), lý thuyết chủ nghĩa quốc tế tầm thường (Banal cosmopolitanism), và lý thuyết xây dựng quốc gia - dân tộc (Theory of nation - state building). Trong bài trình bày, tác giả đã tập trung phân tích quan hệ buôn bán, di cư lao động, hôn nhân và tội phạm xuyên biên giới của các tộc người thiểu số nơi đây trong bối cảnh thiết chế địa phương vắt qua đường biên đã tồn tại từ lâu đời, cùng sự phát triển, mở cửa của Trung Quốc và Việt Nam hiện nay.
Tác giả khẳng định, việc áp dụng các lý thuyết trên có thể giúp các nhà nghiên cứu nhận diện, lý giải được sự năng động, phức tạp trong quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt - Trung ở các lĩnh vực buôn bán, di cư lao động, hôn nhân và tội phạm xuyên biên giới. Đây là sự năng động, phức tạp có tính bản chất ở hầu khắp các vùng biên, và sự khác biệt chỉ là về mức độ hay biểu hiện. Bởi thế, nhận thức và xử lý các vấn đề có liên quan không thể mang tính chủ quan, áp đặt. Theo đó, lý thuyết về xây dựng quốc gia - dân tộc sẽ cho những gợi ý để Việt Nam cần phát triển vùng nội biên nhằm hỗ trợ và thu hút việc buôn bán, di cư lao động hay các mối quan hệ xã hội của cư dân vùng biên. Trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung, việc tăng cường văn hóa quốc gia và ý thức quốc gia - dân tộc là hết sức cần thiết. Mặt khác, Việt Nam cần phối hợp với Trung Quốc và các tổ chức quốc tế để nâng cao việc xây dựng các thiết chế quốc tế, trong đó cần lưu ý sự hài hòa với thiết chế địa phương để quản lý tốt vùng biên giới của mỗi nước và mối quan hệ tộc người xuyên biên giới.
Buổi hội thảo đã ra không khí thảo luận sôi nổi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia, các nhà khoa học.