Theo tác giả trình bày, các yếu tố văn hóa từ Trung Quốc ảnh hưởng đến các tộc người ở nước ta, nhất là các tộc người sinh sống dọc biên giới với mức độ và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của các tộc người và của đất nước, nhất là về văn hóa quốc gia và ý thức quốc gia.
Nùng và Hmông là hai tộc người có dân số tương đối đông, văn hóa của họ có ảnh hưởng nhất định đến văn hóa của các tộc người sinh sống trong khu vực miền núi Đông Bắc. Do di cư từ Nam Trung Hoa đến các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta nên 2 tộc người này đã và đang duy trì mối quan hệ với đồng tộc và thân tộc ở bên kia biên giới. Quan hệ tộc người và giao lưu văn hóa giữa hai tộc người Nùng, Hmông ở Việt Nam với các tộc người bên kia biên giới nói chung và đồng tộc của họ nói riêng đã, đang diễn ra như thế nào; mặt trái của sự ảnh hưởng đó đến văn hóa của các tộc người vùng biên giới phía Bắc nước ta ra sao, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa là vấn đề cần được tìm hiểu, làm rõ.
TS. Trần Thị Mai Lan trình bày tại hội thảo
Bài trình bày cho thấy, văn hóa của một số tộc người ở Trung Quốc dù trực tiếp hay gián tiếp đều có sự ảnh hưởng đến tộc người Nùng và Hmông ở vùng biên giới nước ta với những mức độ khác nhau trên nhiều lĩnh vực, như: nhà cửa, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng…
Bài viết đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và chia sẻ quý báu của các nhà khoa học. Bên cạnh việc ghi nhận các kết quả nghiên cứu, một số ý kiến cho rằng, tác giả cần nêu chính xác yếu tố nào là ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, yếu tố nào là sẵn có của tộc người mình; đồng thời làm rõ mốc thời gian cụ thể khi đánh giá, phân tích những yếu tố ảnh hưởng.
Viện Dân tộc học