Sinh hoạt khoa học: Một số động thái di cư lao động của người Tày, Nùng ở vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn trước và trong bối cảnh đại dịch Covid-19

19/09/2022

Sinh hoạt khoa học: Một số động thái di cư lao động của người Tày, Nùng ở vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn trước và trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Ngày 19 tháng 9 năm 2022, Viện Dân tộc học tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Một số động thái di cư lao động của người Tày, Nùng ở vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn trước và trong bối cảnh đại dịch Covid – 19” do ThS. Vũ Đình Mười trình bày. Buổi sinh hoạt khoa học đã thu hút được đông đảo cán bộ, các nhà nghiên cứu Viện Dân tộc học tham dự.

ThS. Vũ Đình Mười trình bày tại hội thảo

Trên cơ sở tư liệu điền dã thực địa tại xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc và xã Thanh Long, huyện Văn lãng, tỉnh Lạng Sơn, bài trình bày đã phân tích, làm rõ một số động thái chính về di cư lao động của người Tày và Nùng ở vùng biên giới trước và trong bối cảnh đại dịch Covid 19 bùng nổ. Trong số các nguyên nhân tác động đến di cư lao động sang Trung Quốc của người Tày, Nùng ở vùng biên nước ta, diễn giả cho rằng những khó khăn ở địa phương cùng với sự phát triển kinh tế ở bên kia biên giới là những nguyên nhân quan trọng nhất tác động đến tình trạng này.

Theo tác giả, trước đại dịch Covid-19 xảy ra, Tày và Nùng là hai tộc người có hoạt động di cư lao động, đặc biệt là di cư lao động xuyên biên giới diễn ra mạnh mẽ nhất về cả quy mô và tần suất. Các hoạt động sinh kế gắn với di cư lao động này tạo ra những biến đổi sâu sắc về đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Di cư lao động sang Trung Quốc đã góp phần giải quyết tình trạng dư thừa trong lao động, tạo công ăn việc làm, góp phần thay đổi tư duy kinh tế, hình thành thói quen làm việc có kỷ luật, từ đó làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa. Trong thực tế, hoạt động này không chỉ giúp nhiều hộ gia đình người Tày, Nùng ở địa phương thoát nghèo mà còn giúp một số hộ gia đình trở nên khá giả, có tích lũy để đầu tư cho con em học hành cao hơn; đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mua sắm đất đai, tài sản giá trị cao ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này cũng dẫn đến sự thiếu hụt lao động tại quê nhà, hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, thiếu người thụ hưởng chính sách, tham gia các hoạt động văn hóa – xã hội ở địa phương.

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ sự phụ thuộc nặng nề của bà con vào di cư lao động bên kia biên giới. Hơn nữa, nó cũng cho thấy hoạt động sinh kế này khá bấp bênh và thiếu bền vững trước những thăng trầm, thay đổi bất thường về chính sách và mối quan hệ giữa chính quyền hai bên biên giới.

Buổi sinh hoạt đã tạo ra không khí thảo luận sôi nổi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ quý báu của các nhà nghiên cứu.



Các tin đã đưa ngày: