Bài thuyết trình đã trình bày khái quát về người Hoa ở thành phố Móng Cái, về biến đổi sinh kế và những nhân tố ảnh hưởng đến biến đổi sinh kế của họ trong giai đoạn hiện nay. Tác giả vận dụng quan điểm của J. Scott, Popkin trong nghiên cứu về người nông dân Việt Nam và góc nhìn của Sahra Turner về sinh kế tộc người vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc để tìm hiểu thực trạng đời sống sinh kế của người Hoa. Kết quả cho thấy, sinh kế của người Hoa ở thành phố Móng Cái chủ yếu là hoạt động sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Với sự nhạy bén và năng động, người Hoa đã chấp nhận rủi ro để đưa hoạt động trồng trọt, chăn nuôi phát triển theo cơ chế thị trường, hướng ra xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro khi sinh sống ở vùng biên, người Hoa đã đa dạng hóa hoạt động mưu sinh của mình. Họ tận dụng triệt để chính sách ưu tiên phát triển kinh tế khu vực biên giới của Chính phủ và bắt nhịp với xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa để thực hiện các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp. Hoạt động kinh doanh, buôn bán, làm thuê... của người Hoa đang có những thành công nhất định bởi sự trợ giúp tích cực từ mối quan hệ thân tộc, đồng tộc xuyên biên giới. Hiện nay, phi nông nghiệp đã và đang trở thành xu hướng sinh kế chính của người Hoa ở thành phố Móng Cái.
Vấn đề sinh kế của tộc người ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc là một trong những hướng nghiên cứu được quan tâm đặc biệt của Viên Dân tộc học trong vài năm trở lại đậy. Tác giả đi theo xu hướng chung này nhưng đã vận dụng quan điểm Nhân học kinh tế vào phân tích sinh kế tộc người thay cho khung sinh kế bền vững mà nhiều học giả trước đó áp dụng.
Bài trình bày đã nhận được sự quan tâm, thảo luận sôi nổi của các nhà khoa học trong Viện, trong đó đáng chú ý là những gợi mở về hướng nghiên cứu mới đối với chủ đề này trong thời gian tới.