Bài trình bày đã khái quát về khuynh hướng thương mại hóa một số loại lâm sản tại hai xã Lùng Vai và Nậm Chảy, huyện Mường Khương; phân tích một số thách thức từ quá trình thương mại này và thảo luận một số giải pháp.
Theo tác giả, khuynh hướng phát triển lâm sản ở địa phương này chủ yếu là từ đầu những năm 1990 theo Chương trình 327 của Chính phủ với một số loại cây như: mỡ, thông sa mộc,… Một số loại cây như xoan, bồ đề được phát triển mạnh từ năm 2012 trở lại đây. Ngoài lâm sản gỗ, các địa phương này còn phát triển các loại lâm sản khác như: quế, sa nhân tím, cây dược liệu… Thị trường tiêu thụ chính gồm có Trung Quốc (bán qua đường tiểu ngạch hoặc chính ngạch) và thị trường nội địa (thương lái thu mua tại chỗ). Phương thức thu mua là mua cả đồi trên cơ sở thỏa thuận miệng.
Thực tế thời gian qua đã cho thấy rất nhiều thách thức trong quá trình thương mại hóa một số loại lâm sản, đó là: Phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài; thiếu kiến thức đẩy đủ về mặt kỹ thuật; giá thu mua bấp bênh từ thị trường; an ninh lương thực và mất cân đối cơ cấu cây trồng; canh tác trái phép trên đất lâm nghiệp và hệ lụy pháp lý; duy trì an ninh quốc phòng. Bài viết cũng đã đưa ra một số giải pháp phát triển lâm sản ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai nhằm hướng tới sinh kế bền vững cho đồng bào nơi đây.
Bài trình bày đã tạo ra không khí thảo luận sôi nổi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ quý báu của các nhà nghiên cứu.