Hội nghị đã thu hút được rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đại diện cho các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và quản lý Nhà nước về lĩnh vực dân tộc ở cả Trung ương và địa phương. Trong đó, về phía các tổ chức nghiên cứu, giáo dục và quản lý Nhà nước có PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam; TS. Nguyễn Cao Thịnh, Chánh văn phòng Ủy ban Dân tộc; Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai... Về phía Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có TS. Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện; cùng nhiều đồng chí là Viện trưởng, Phó Viện trưởng các viện chuyên ngành. Tham dự Hội nghị còn có đông đảo các nhà khoa học, giảng viên đang công tác tại các tổ chức nghiên cứu, giáo dục, quản lý Nhà nước về dân tộc và các lĩnh vực có liên quan đến dân tộc ở Hà Nội và một số địa phương trong nước cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu Viện Dân tộc học.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, TS. Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh: Hội nghị Dân tộc học Quốc gia thường niên năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung phát triển lý luận, qua đó góp phần nhận diện những vấn đề mới về dân tộc ở nước ta hiện nay, những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng và quốc gia nói chung, các nguyên nhân tác động và dự báo xu hướng mới,… Trên cơ sở đó, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách dân tộc, giải quyết tốt hơn các vấn đề dân tộc ở nước ta, góp phần phát triển bền vững các tộc người, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế.
Với hơn 120 báo cáo gửi đến Hội nghị, Ban tổ chức đã chọn ra được 100 tham luận từ các nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương quan tâm đến các vấn đề dân tộc, tộc người, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Trong đó, một số báo cáo tham luận được lựa chọn trình bày và thảo luận tại Hội nghị, như: Về ý thức quốc gia - dân tộc của một số tộc người vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Tác động của truyền thông đến ý thức quốc gia của một số tộc người vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Trung Quốc rào đường biên giới: Thách thức và cơ hội đối với các tộc người thiểu số vùng biên giới phía Bắc; “Ít người chưa hẳn là yếu thế” (Thảo luận về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đối với dân tộc thiểu số rất ít người Ơ-đu ở tỉnh Nghệ An); “Dân tộc giàu” - Quan điểm, cách nhìn và thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số rất ít người Brâu ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum,....
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sôi nổi và nhận diện những vấn đề mới và lý thú trên nhiều lĩnh vực từ các góc độ tiếp cận khác nhau; qua đó, góp phần làm rõ những vấn đề mới về ý thức tộc người và ý thức quốc gia- dân tộc, những vấn đề mới về dân tộc ở vùng biên giới, liên biên giới và xuyên quốc gia, những vấn đề mới về thực hiện chính sách dân tộc,...
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội nghị, PGS.TS. Lâm Bá Nam – Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam khẳng định, chủ đề của Hội nghị đã khơi dậy những vấn đề mới trong nghiên cứu dân tộc học/nhân học; những tham luận và ý kiến thảo luận cởi mở, lý thú của các đại biểu tham dự có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nghiên cứu về phát triển bền vững của các tộc người ở nước ta hiện nay. Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Lãnh đạo Viện Hàn lâm, các vị đại biểu và các nhà khoa học đã tham dự, góp phần quan trọng tạo nên thành công của Hội nghị.
Viện Dân tộc học