Qua phần trình bày, tác giả đã bước đầu lý giải tại sao một số dân tộc cận cư và cán bộ địa phương lại gọi dân tộc Brâu là “dân tộc giàu”. Họ được xem là “dân tộc giàu” vì 03 lý do chính: Thứ nhất, Brâu là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất ở nước ta nên họ nhận được rất nhiều sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; Thứ hai, dân tộc Brâu nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đoàn nghiên cứu, báo chí và các cơ sở giáo dục; Thứ ba, người Brâu rất “giàu” về văn hóa, họ còn lưu giữ được nhiều các giá trị văn hóa độc đáo, nhất là văn hóa tinh thần.
Qua quá trình nghiên cứu thực địa, tác giả đã nêu lên một số vấn đề đặt ra đối với dân tộc Brâu hiện nay đó là: Việc thực hành các “lễ kiêng” trong đời sống một cách thái quá đã khiến không ít gia đình đang trở thành “con nợ” của các dân tộc nhập cư (Kinh, Mường, Thái,…), từ đó dẫn đến tình trạng bán đất ở, đất sản xuất, bán chiêng tha, bán nông sản non, đi làm thuê…; một số giá trị văn hóa truyền thống của người Brâu được bảo tồn, phục dựng theo chương trình hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước nhưng không được công nhận trong tâm thức của chủ thể văn hóa; dân tộc Brâu tuy có nền văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú nhưng hiểu biết về văn hóa quốc gia còn hạn chế,... Hiện nay, trong một bộ phận cộng đồng người Brâu còn tồn tại đồng thời hai ý thức quốc gia. Bên cạnh ý thức về quốc gia Việt Nam còn có ý thức về quốc gia Lào và Campuchia. Vì thế, theo tác giả, cần chú trọng tăng cường các yếu tố văn hóa quốc gia, bảo đảm sự hài hòa, hỗ trợ, bổ sung cho nhau giữa văn hóa quốc gia và văn hóa tộc người, hướng tới củng cố ý thức quốc gia đối với cộng đồng này trong thời gian tới.