Bài trình bày đã đề cập đến thực trạng thiên tai ở vùng dân tộc thiểu số trong thời gian gần đây, nguyên nhân và hạn chế của một số chính sách phòng chống thiên tai ở vùng dân tộc thiểu số.
Dựa trên những tư liệu thực địa ở Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tác giả đã chỉ ra các chính sách phòng chống tiên tai chủ yếu tập trung vào việc khắc phục hậu quả sau thiên tai. Trong khi đó, việc dành nguồn lực cho công tác phòng ngừa, dự báo trước thiên tai vẫn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, các chính sách phòng chống thiên tai cũng mang tính ngắn hạn, chưa cải thiện năng lực dài hạn cho người dân; đồng thời không phát huy được các nguồn lực tại chỗ và gây lãng phí rất nhiều. Không ít các chương trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua còn thiếu những đánh giá tác động về môi trường, cũng như thiếu kế hoạch giám sát kết quả thực hiện. Nhiều địa phương triển khai các nguồn lực hỗ trợ mang tính cào bằng, có lúc không minh bạch. Một số mô hình phòng chống thiên tai khi triển khai thì dập khuôn, máy móc, không phù hợp với địa phương.
Buổi sinh hoạt khoa học đã diễn ra trong không khí thảo luận sôi nổi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các nhà nghiên cứu.