VẬN DỤNG SÁNG TẠO TƯ TƯỞNG CỦA CÁC MÁC VỀ DÂN TỘC VÀ CÁCH MẠNG DÂN TỘC VÀO THỰC TIỄN VIỆT NAM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA
PGS.TS. Nguyễn Văn Minh
Chi bộ Viện Dân tộc học
Tóm tắt: Dân tộc và cách mạng dân tộc là một những vấn đề then chốt của cách mạng vô sản. Chính vì vậy, các nhà sáng lập của Chủ nghĩa Mác - Lê nin đã rất quan tâm và đề ra nhiều quan điểm, nguyên tắc cả về lý luận lẫn thực tiễn trong quá trình nhận diện, giải quyết các vấn đề dân tộc, cách mạng dân tộc ở từng quốc gia nói riêng và phong trào cách mạng vô sản trên toàn thế giới nói chung. Trong di dản của Các Mác, mặc dù so với vấn đề công nhân và đấu tranh giai cấp thì vấn đề dân tộc được đặt ở vị trí thứ yếu, nhưng trong toàn bộ lý luận của Ông thì không hề coi nhẹ các phong trào dân tộc, mà là đặt vấn đề dân tộc thành một bộ phận không thể tách rời của đường lối và chiến lược đấu tranh giai cấp, đầu tranh giải phóng con người, giải phóng dân tộc và giải phóng thuộc địa. Thấm nhuần, nghiên cứu và vận dụng có chọn lọc, sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam, chúng ta đã đạt được nhiều thành công trong việc xây dựng khái niệm/định nghĩa về dân tộc và xác định các thành phần dân tộc, về quá trình tộc người và hình thành dân tộc - quốc gia Việt Nam, thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo không chỉ đánh đổ chế độ thực dân phong kiến áp bức, bóc lột các tộc người và các giai cấp trong xã hội, mà còn giải phóng tình trạng người bóc lột người trong nội bộ từng tộc người và giữa các tộc người trong quốc gia đa dân tộc, xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất của chung các tộc người, trong đó mọi tộc người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi chia rẽ và kỳ thị dân tộc.
Vấn đề dân tộc và cách mạng dân tộc là một trong những vấn đề mấu chốt của cách mạng vô sản. Chính vì vậy, những nhà sáng lập của Chủ nghĩa Mác - Lê nin như Các Mác, Ăng ghen, Lê nin, Stalin... đã rất quan tâm và đề ra nhiều quan điểm, nguyên tắc về vấn đề này. Thực tế những ấn phẩm kinh điển của các Ông cho thấy, trong lịch sử phát triển của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, những lý luận về vấn đề dân tộc và cách mạng dân tộc được Các Mác và Ăng ghen đề cập có ít hơn và chưa thành một hệ thống so với Lê nin và Stalin (hai Ông đã đưa vấn đề dân tộc, nhất là đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc và quyền tự quyết, tự trị dân tộc về văn hóa và lãnh thổ lên hàng đầu, cả trên các vấn đề về dân chủ và đấu tranh thuộc địa). Tuy nhiên, các quan điểm của Các Mác vẫn được đánh giá là những luận điểm mang tính khái quát về dân tộc và đề ra các nguyên lý quan trọng về cách mạng dân tộc. Do đó, mặc dù đã có một thời kỳ, những người chống Chủ nghĩa Mác - Lê nin cho rằng Mác nói nhiều đến vấn đề giai cấp, chuyên chính vô sản, chủ nghĩa quốc tế... mà coi nhẹ vấn đề dân tộc và cách mạng dân tộc. Những chính Lê nin đã chỉ ra rằng, đối với Mác quả là so với vấn đề công nhân và đấu tranh giai cấp thì vấn đề dân tộc ở vị trí thứ yếu, nhưng toàn bộ lý luận của Mác thì không hề coi nhẹ các phong trào dân tộc, mà là đặt vấn đề dân tộc thành một bộ phận của đường lối và chiến lược đấu tranh giai cấp, đầu tranh giải phóng con người, giải phóng dân tộc và giải phóng thuộc địa.
1. Một số tư tưởng chủ yếu của Các Mác về vấn đề dân tộc và cách mạng dân tộc
1.1. Về khái niệm/định nghĩa dân tộc
Đọc lại các tác phẩm của Các Mác và Ăng ghen cho thấy, hai ông đã dùng khái niệm dân tộc theo hai nghĩa: 1) Theo nghĩa rộng thông thường, dùng để chỉ các cộng đồng người nào đó hình thành trong lịch sử, như: thị tộc, bộ lạc, dân tộc - tộc người (ethnic group) và dân tộc - quốc gia (nation); và 2) Theo nghĩa hẹp được dùng như một thuật ngữ khoa học đã được xác định với các nội hàm chăt chẽ đề chỉ một cộng đồng người ổn định được hình thành trong lịch sử với đầy đủ các tiêu chí của một dân tộc - quốc gia. Từ cách hiểu thứ hai này, hai Ông đã phân kỳ lịch sử phát triển dân tộc theo các hình thái kinh tế - xã hội, như: dân tộc chiếm nô, dân tộc phong kiến, dân tộc tư sản và dân tộc xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, Các Mác cũng dùng các thuật ngữ khác để chỉ bản chất của một số dân tộc - nhà nước, như dân tộc bóc lột và dân tộc bị bóc lột, dân tộc thuộc địa bị áp bức và dân tộc đề quốc đi xâm lược và áp bức các dân tộc khác,...
Tuy nhiên, khái niệm dân tộc được Các Mác sử dụng thường là theo nghĩa dân tộc - quốc gia (nation) hơn là chỉ các cộng đồng người ở hình thức bộ lạc, thị tộc,... Tuy nhiên, dân tộc cũng được Ông dùng để chỉ một tộc người hoặc vài ba tộc người có dân số đông nhất cũng như có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao nhất trong một quốc gia đa tộc người, tộc người này hay các tộc người này có thể và cũng có trách nhiệm qui tụ các tộc người khác trong quốc gia đó để phát triển thành quốc gia thống nhất đa tộc người, như khi Ông dùng thuật ngữ dân tộc Nga, dân tộc Pháp, dân tộc Đức, dân tộc Việt (Kinh)... là theo nghĩa này.
1.2. Về sự hình thành và phân kỳ lịch sử phát triển của các dân tộc - quốc gia (nation)
Nhiều người cho rằng Các Mác và Ăng ghen, cũng như Lê nin và Stalin sau đó đều thống nhất coi dân tộc - quốc gia là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, chỉ xuất hiện trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa đã phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có Stalin là người ủng hộ tuyệt đối quan điểm này. Đúng là Các Mác và Ăng ghen trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (cũng như Lê nin sau đó) đã đề cập đến một loại hình dân tộc mới, hình thành trong thời đại tư bản chủ nghĩa, đó là dân tộc tư bản, nhưng tuyệt nhiên cả hai Ông đều không có ý cho rằng trước đó không có loại hình dân tộc nào đã từng tồn tại, mà còn khẳng định trước dân tộc tư sản đã từng có nhiều loại dân tộc khác nhau, nhất là ở phương Đông do những đặc thù riêng đã hình thành các dân tộc tiền tư sản.
Theo Các Mác và Ăng ghen, dân tộc (nation) là một cộng đồng người thuộc một phạm trù lịch sử nhất định, bắt đầu xây dựng cơ sở cho việc hình thành từ khi chế độ công xã nguyên thủy tan rã, đến khi các bộ lạc liên minh với nhau để lập nên những nhà nước thì quá trình hình thành dân tộc chính thức bắt đầu diễn ra. Nói cách khác, hai Ông đều cho rằng, liên minh bộ lạc là bước đầu tiên để tiến đến sự hình thành dân tộc - quốc gia, là bước quá độ thực hiện việc tập hợp các bộ lạc, tạo điều kiện cho sự hình thành một cộng đồng người rộng lớn hơn và ổn định hơn - đó chính là dân tộc theo hai nghĩa tùy từng bối cảnh cụ thể: dân tộc - tộc người và dân tộc - quốc gia. Cho nên, theo Các Mác, dân tộc theo nghĩa nation được đặt đối lập với địa phương, là một cộng đồng người hình thành tiếp sau bộ lạc, gắn liền với xã hội bước vào thời đại văn minh đồng thời với quá trình xuất hiện nhà nước, và như vậy, nhà nước là một điều kiện của sự hình thành và tồn tại các dân tộc.
Trong “Những hình thức có trước sản xuất tư bản chủ nghĩa” Các Mác (1976) cũng đề cập đến cơ sở bộ lạc của dân tộc. Theo Ông, các dân tộc hình thành nên cơ sở nông nghiệp thì tổ chức bộ lạc vẫn bảo tồn chỉ khi nào công nghiệp và thương nghiệp phát triển mới có thể xóa bỏ được những tàn tích thị tộc, bộ lạc. Vì vậy, Các Mác và Ăng ghen nêu rõ, trước dân tộc tư sản đã có dân tộc của thời kỳ chiếm nô và dân tộc của thời kỳ phong kiến.
Dựa trên các quan điểm của Các Mác và Ăng ghen, Hà Văn Tấn (1980) đã tổng kết, theo Các Mác và Ăng ghen: 1) Dân tộc là một phạm trù lịch sử đã được hình thành sau khi chế độ bộ lạc tan rã; 2) Liên minh bộ lạc là bước thứ nhất của quá trình hình thành dân tộc; 3) Dân tộc xuất hiện vào lúc chuyển từ thời đại dã man sang thời đại văn minh, nghĩa là đồng thời với với nhà nước; 4) Nhà nước là điều kiện của sự tồn tại dân tộc; 5) Dân tộc biến đổi theo chế độ kinh tế và chế độ xã hội, có dân tộc chiếm hữu nô lệ, có dân tộc phong kiến và có dân tộc tư sản. Ở những dân tộc nông nghiệp, tàn tích của chế độ bộ lạc bảo lưu lâu dài hơn ở các dân tộc thủ công nghiệp và thương nghiệp; và 6) Trong quá trình lịch sử, có những dân tộc mất đi và có những dân tộc mới hình thành.
Cho đến nay, đã có nhiều hình thức khác nhau về phân kỳ quá trình hình thành và phát triển của các dân tộc, nhưng đóng góp quan trọng của Các Mác là đã xây dựng được những quan điểm lý luận cho Chủ nghĩa duy vật về lịch sử xã hội là phân loại dân tộc theo các hình thái phát triển của kinh tế - xã hội (hay là sự phát triển của cơ sở vật chất - xã hội), nhất là những đóng góp của Ông về thời kỳ nguyên thủy, và một phần là về cộng đồng dân tộc quốc tế hay dân tộc tư sản do quá trình phát triển kinh tế, xã hội và kỹ thuật sâu rộng đem lại cũng như bước đầu đề cập đến cộng đồng dân tộc xã hội chủ nghĩa mà sau này Nga đã phát triển thành Liên bang Xô viết. Theo đó, Ông phân chia sự phát triển của các dân tộc theo những mức độ phát triển của kinh tế - xã hội, gồm: nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Mỗi một thời kỳ đó lại chia ra thành các giai đoạn khác nhau thích ứng với mức độ phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Cũng vì lẽ này mà đôi khi Ông còn dùng khái niệm các dân tộc chậm tiến/lạc hậu và dân tộc phát triển/văn minh.
1.3. Về cách mạng dân tộc
Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăng ghen không chỉ làm rõ những quan điểm về điều kiện lịch sử để hình thành dân tộc, mà còn vạch ra rằng chính giai cấp bóc lột - chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đề quốc là kẻ tổ chức và đại biểu cho chế độ áp bức dân tộc, chia rẽ gây mẫu thuẫn dân tộc để cai trị và bóc lột dã man các dân tộc không chỉ ở những nước thuộc địa mà cả ngay trong “chính quốc”. Chình vì vậy, cách mạng dân tộc là một bộ phận không thể tách rời của đấu tranh giai cấp nhằm thủ tiêu chế độ bóc lột của chủ nghĩa tư bản và sự xâm lược, cai trị của chủ nghĩa đế quốc đối với con người và các dân tộc. Trên cơ sở đó, Các Mác và Ăng ghen đã viết: “Hãy xóa nạn người bóc lột người, thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”; “Sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì đồng thời sự xung đột giữa các dân tộc cũng mất theo” (Các Mác - Ph. Ăng ghen, 1974). Sau đó, Ăng ghen đã đúc kết “Những dân tộc đi áp bức dân tộc khác cũng là những dân tộc không có tự do”. Đồng thời, Các Mác cũng chỉ rõ, chủng tộc, tôn giáo và dân tộc là những vấn đề khác nhau, do đó Ông kiên quyết bác bỏ những ý đồ định xem xét về dân tộc da đen, dân tộc da trắng, dân tộc da vàng, dân tộc Hồi giáo... của chủ nghĩa đế quốc nhằm phục vụ cho mưu đồ gây chiến tranh, xâm lược và bóc lột các dân tộc ở những khu vực khác nhau trên thế giới.
2. Nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam
Thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các nhà hoạt động chính trị, quản lý và khoa học đã vận dụng những lý luận của Các Mác nói riêng và Chủ nghĩa Mác - Lê nin nói chúng một cách phù hợp vào thực tiễn của Việt Nam, kết quả là đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ dân tộc - quốc Việt Nam.
2.1. Nghiên cứu và vận dụng sáng tạo về khái niệm dân tộc và xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam
Do Các Mác sử dụng khái niệm/định nghĩa về dân tộc theo nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có hai nghĩa chính như trên nhưng nhiều khi phải biết được bối cảnh cụ thể thì mới hiểu được hàm ý của Ông khi sử dụng khái niệm này, cho nên khi vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, đã có một thời kỳ dài chúng ta cũng sử dụng khá lẫn lỗn, rất khó phân biệt và dễ gây ra nhầm lẫn khái niệm dân tộc theo rất nhiều nghĩa, trong đó có 3 nghĩa chính là dân tộc - cộng đồng người thuộc một nhóm địa phương của một tộc người nhất định, dân tộc - tộc người và dân tộc - quốc gia đơn tộc người hay đa tộc người. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu xác định làm rõ hơn khái niệm dân tộc với các nội dung hàm khoa học chặt chẽ để làm cơ sở xác định thành phần dân tộc - tôc người ở nước ta, đồng thời góp phần đảm bảo quyền của các tộc người .
Chính vì nhu cầu đó, dưới sợ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngày từ những năm 1960 các nhà khoa học Việt Nam, nhất là dân tộc học và ngôn ngữ học đã tập trung nghiên cứu và vận dụng các luận điểm của Các Mác nói riêng và Chủ nghĩa Mác - Lê nin nói chung vào thực tiễn Việt Nam để xây dựng các khái niệm liên quan, trên thực tế đã đạt được kết quả theo chuẩn mực khoa học quốc tế hiện nay, đó là phân biệt rất rõ ràng các nội hàm của khái niệm dân tộc trong từng trường hợp/bối cảnh cụ thể, như: dùng từ dân tộc để chỉ quốc gia theo nghĩa nation, như: dân tộc Việt Nam, dân tộc Trung Hoa, dân tộc Nhật Bản, dân tộc Hoa Kỳ, dân tộc Pháp, dân tộc Đức,... Dùng từ tộc người để chỉ các tộc người (ethnic group) cụ thể trong một dân tộc - quốc gia, như ở nước ta có 54 tộc người (Kinh, Thái, Tày, Mường, Khơ-me, Chăm...) hợp thành dân tộc - quốc gia Việt Nam đa tộc người. Dùng từ nhóm địa phương (sub-ethnic group) để chỉ những nhóm tộc người tập hợp lại thành một tộc người nhất định, như ở Việt Nam ta đa số các tộc người đều có nhiều nhóm địa phương, vị dụ tộc người Hmông có 5 nhóm địa phương là Hmông Đen, Hmông Xanh, Hmông Trắng, Hmông Hoa, Hmông Đỏ/Hmông nước.
Kết quả nghiên cứu của ngành dân tộc học về thuật ngữ dân tộc đã được Đặng Nghiêm Vạn (2003) đúc kết thành các khái niệm cụ thể như sau:
- Nhóm địa phương (sub-ethnic group) là một bộ phận của một tộc người nhất định, có những mối quan hệ về lịch sử, ngôn ngữ, sinh hoạt văn hóa, có ý thức tự giác thuộc về tộc người đó. Nhóm địa phương chỉ được tạo thành khi tự bản thân có tên gọi riêng phổ biến trong vùng.
- Dân tộc - tộc người (ethnic group) là một cộng đồng mang tính tộc người có chung tên gọi, một ngôn ngữ (trừ trường hợp cá biệt) được liên kết với nhau bằng những giá trị sinh hoạt văn hóa, tạo thành một tính cách tộc người, có chung một ý thức tự giác tộc người, tức có chung một khát vọng được cùng chung sống, có chung một số phận lịch sử thể hiện ở những ký ức lịch sử (truyền thuyết, lịch sử, huyền thoại, kiêng cữ). Một tộc người không nhất thiết phải có cùng một lãnh thổ, cùng một cộng đồng sinh hoạt kinh tế.
- Dân tộc - Quốc gia (Nation) hay Quốc gia - dân tộc (Nation - State) là một cộng đồng chính trị xã hội, được chỉ đạo bởi một nhà nước, thiết lập trên một lãnh thổ nhất định, có tên gọi, một ngôn ngữ hành chính, một sinh hoạt kinh tế chung, với những biểu tượng văn hóa chung tạo nên một tính cách dân tộc.
Từ việc tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo tư tưởng của Các Mác về khái niệm dân tộc nêu trên, nhất là so sánh với định nghĩa dân tộc của Stalin (1957): “Dân tộc là khối cộng đồng người ổn định, thành lập trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và về hình thành tâm lý, biểu hiện trong cộng đồng văn hóa”, và nhiều định nghĩa khác về dân tộc và tộc người của phương Tây xuất hiện sau đó ủng hộ hay kế thừa quan điểm này của Stalin, cho nên mặc dù về cơ bản các nhà khoa học xã hội Việt Nam, nhất là dân tộc học và ngôn ngữ học vẫn bám sát tinh thần chung của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, nhưng đã phân tích và đánh giá đúng đắn cho rằng, định nghĩa của Stalin được nêu lên khi đánh giá tổng kết sự hình thành dân tộc tư sản, nên nội dung của nó chủ yếu nhằm vào dân tộc tư sản. Do vậy, định nghĩa này chưa thể khái quát được một cách đầy đủ những cơ sở và đặc trưng chung của mọi loại hình dân tộc, và như vậy chưa thể được coi là một định nghĩa tổng quát về dân tộc, nhất là có nhiều điểm/tiêu chí xác định thành phần dân tộc không phù hợp với phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trên cơ sở đó, các nhà khoa học Việt Nam đã thảo luận và thống nhất xác định 3 tiêu chí để xác định các thành phần dân tộc ở nước ta là: cùng chung ngôn ngữ, cùng chung sinh hoạt văn hóa và cùng chung ý thức tự giác tộc người. Như vậy, chúng ta đã không dựa vào đặc trưng chung về lãnh thổ, vì trên thực tế các tộc người ở nước ta chưa bao giờ hình thành cái gọi là “lãnh thổ tộc người riêng” mà từ lâu đời một số tộc người luôn cư trú xen kẽ nhau trong một vùng. Đồng thời chúng ta cũng không sử dụng đặc trưng chung về sinh hoạt kinh tế, vì các tộc người ở nước ta cư trú khá phân tán ở nhiều vùng miền trên cả nước nên đặc điểm hoạt động kinh tế của từng bộ phận dân cư trong cùng một tộc người là rất khác nhau.
Trên cơ sở khoa học này, đến năm 1979 chúng ta đã xác định dân tộc - quốc gia Việt Nam có 54 thành phần dân tộc - tộc người anh em cùng chung sống, cùng chung vận mệnh lịch sử và cùng đóng góp cho công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc Việt Nam trong tiến trình lịch sử của đất nước. Trong đó, tộc người Việt là tộc người đa số, cũng giống như tộc người Nga ở nước Nga, tộc người Đức ở nước Đức, tộc người Hán ở Trung Quốc... đóng vai trò chủ đạo trong quá trình hình thành, xây dựng và bảo vệ dân tộc - quốc gia thống nhất. Đồng thời chúng ta cũng không dùng khái niệm sắc tộc hay sắc dân để chỉ các tộc người thiểu số như môt số nước tư bản và đề quốc sử dụng; cũng như rất hiếm người và ít khi sử dụng thuật ngữ “dân tộc chủ thể” để chỉ người Việt (Kinh) mà chỉ dùng là dân tộc đa số - để chỉ tộc người có dân số đông nhất trong 54 tộc người cùng cư trú trên đất nước ta.
2.2. Nghiên cứu về quá trình hình thành dân tộc - quốc gia Việt Nam
Xác định đúng đắn quá trình hình thành và phát triển của dân tộc - quốc gia Việt Nam là một trong những vấn đề lớn có nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn cho sự nghiệp cách mạng chung của đất nước do Đảng ta lãnh đạo. Cho nên ngày từ năm 1955, khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa thành công ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ mới bắt đầu ở miền Nam, tại nước ta đã dấy lên phong trào nghiên cứu và thảo luận học thuật về vấn đề này của các nhà khoa học xã hội, nhất là giới Sử học, Khảo cổ học, Triết học, Dân tộc học, Ngôn ngữ học. Tinh thần khoa học này có lúc lên cao trào và có thời kỳ lắng lại, nhưng vẫn tiếp diễn đến nay để trả lời câu hỏi dân tộc - quốc gia Việt Nam hình thành từ bao giờ.
Qua những nghiên cứu và các cuộc thảo luận từ đó đến nay cho thấy, có nhiều ý kiến lý luận và thực tiễn khác nhau về thời điểm sinh thành và quá trình phát triển của dân tộc - quốc gia Việt Nam, trong đó chủ yếu tập trung thành hai luồng ý kiến chính dưới đây:
- Một số ít người đã bám sát một cách dập khuôn, máy móc ý kiến của Stalin và sau đó được nhiều nhà khoa học phương Tây hoặc thân phương Tây ủng hộ, cổ súy cho rằng, các dân tộc - quốc gia chỉ được hình thành trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa đã phát triển. Từ đó khẳng định dân tộc Việt Nam được hình thành muộn vào khoảng cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIIX, khi thực dân Pháp đã hoàn thành việc xâm lược nước ta và áp đặt chế độ cai trị thực dân phong kiến, từ đây mới bắt đầu xuất hiện mầm mống của hình thức kinh tế tư bản chủ nghĩa - và như vậy, dân tộc Việt Nam lúc này mới có cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội để hình thành. Tuy nhiên, ý kiến này càng dần về sau càng không nhận được nhiều sự ủng hộ của giới khoa học và các nhà chính trị ở trong và ngoài nước.
- Đại đa số đã dựa vào luận điểm rất quan trọng và đúng đắn của Các Mác, Ăng ghen và sau đó là của Lê nin cho rằng, có nhiều loại hình dân tộc từng tồn tại và có dân tộc hình thành trước tư bản chủ nghĩa, khi các bộ lạc liên minh lại để hình thành những tộc người có qui mô lớn dân số và cư trú trên địa bàn rộng - cùng với đó là nhà nước xuất hiện. Dựa trên quan điểm này để nghiên cứu lịch sử dân tộc Việt Nam, nhiều nhà khoa học cả ở trong và ngoài nước đều thống nhất cho rằng, do những đặc thù lịch sử của Việt Nam, nên dân tộc - quốc gia Việt Nam đã hình thành từ rất sớm, mà theo Hà Văn Tấn (1980) là vào thời đại Hùng Vương, khi 15 bộ lạc liên minh lại và nhà nước đầu tiên ở nước ta đã xuất hiện tương ứng với giai đoạn văn hóa Đông Sơn phát triển rất rực rỡ. Điều đó cho thấy, ngay từ thời Hùng Vương ở nước ta tộc người Việt đã hình thành nên một cộng đồng người tương đối ổn định, có một sự thống nhất về lãnh thổ, ngôn ngữ, kinh tế và chính trị - có Nhà nước và hệ thống quan lại quản trị các địa phương, tất nhiên còn ở một mức độ thấp. Tương đồng với quan điểm này, Phan Huy Lê (1981) cũng cho rằng, ở Việt Nam và một số nước khác, dân tộc hình thành sớm trước chủ nghĩa tư bản là do những điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử của những nước này có khác với đặc điểm của chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến của nhiều nước phương Tây. Những điểm đặc biệt đó, theo ông trước hết là: 1) Do sự tiến triển của các hình thái kinh tế - xã hội tiền tư bản, mà ở Việt Nam là “hình thái Á châu” nên nước ta không trải qua thời kỳ phát triển của chế độ chiếm hữu nô lệ, đồng thời chế độ phong kiến cũng có nhiều điểm khác với chế độ phong kiến phương Tây; và 2) Do yêu cầu khách quan phải cố kết thành cộng đồng người thống nhất và có sự lãnh đạo của một nhà nước trung ương đủ mạnh để thực hiện cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của lịch sử Việt Nam, gồm: yêu cầu của cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, phát triển nông nghiệp trồng lúa (nhất là xây dựng đề điều); yêu cầu chống giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc (Phan Huy Lê, 1982). Quan điểm này cũng được nhiều nhà khoa học nước ngoài quan tâm nghiên cứu Việt Nam ủng hộ và nhận mạnh đến tính thống nhất lâu đời của lịch sử Việt Nam trên nhiều phương diện về địa lý, chính trị, xã hội văn hóa, như Pierre-Richard Fe’ray cho rằng: từ khá sớm Việt Nam đã là một dân tộc (nation) xét trên cả hai tiêu chuẩn: dân tộc - nhà nước (nation-etat) và dân tộc - nhân dân (nation - peuple).[1]
Như vậy, có thể thấy, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Các Mác, ngày càng có nhiều ý kiến tán thành cả ở trong và ngoài nước, nhất là trong thời gian gần đây về quan điểm dân tộc Việt Nam hình thành sớm và thuộc loại hình dân tộc tiền tư bản chủ nghĩa. Dân tộc ta hình thành không phải do yêu cầu phát triển của chủ nghĩa tư bản, mà là do những yêu cầu khách quan và bức thiết của sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong những điều kiện thiên nhiên và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta. Vì vậy, quá trình dựng nước và giữ nước cũng đồng thời là quá trình hình thành và phát triển của dân tộc (Phan Huy Lê, 1981). Đồng thời Phan Huy Lê cũng khẳng định “Sự hình thành sớm của dân tộc Việt Nam với nội dung xác định trên là một đặc điểm rất quan trọng của lịch sử Việt Nam. Nó góp phần tạo nên sự cố kết dân tộc, thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần đoàn kết dân tộc, của nền văn hóa dân tộc. Nó cắt nghĩa vì sao một nước nhỏ như Đại Việt thời Lý, Trần, Lê mà có đủ sức mạnh vật chất và tinh thần để tồn tại một cách vững vàng, để đánh thắng nhiều đạo quân xâm lược của những đế chế lớn mạnh, kể cả đế chế Mông - Nguyên hồi thế kỳ XIII (Phan Huy Lê, 1982).
2.3. Nghiên cứu và vận dụng vào cách mạng dân tộc ở Việt Nam
Trong toàn bộ hệ thống lý luận của Các Mác nói riêng và Chủ nghĩa Mác - Lê nin nói chung cho thấy, vấn đề dân tộc và cách mạng dân tộc được coi là một bộ phận đường lối của giai cấp vô sản. Việc giải quyết đúng đắn vấn đề quan trọng và mối quan hệ phức tạp, biện chứng này sẽ tạo ra một tiềm năng và động lực to lớn để thực hiện sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Một trong những thành công to lớn nhất của Đảng ta là đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo các nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lê nin trong việc giải quyết vấn đề dân tộc và cách mạng dân tộc ở Việt Nam, đó là: cuộc cánh mạng ở nước ta do giai cấp công nhân lãnh đạo mà Đảng Cộng sản là đội quân tiên phong không chỉ giải phóng sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc đối với dân tộc Việt Nam, mà còn là giải phóng tình trạng người bóc lột người trọng nội bộ từng tộc người và giữa các tộc người ở trong nước. Để thực hiện được điều đó, mục tiêu của cách mạng dân tộc ở nước ta là để xây dựng được một Nhà nước thống nhất của các tộc người cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, các tộc người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển trong quốc gia đa tộc người. Đặc biệt là vào khoảng những năm 1970 và đầu những năm 1980, có lẻ tẻ vài ý kiến của một số ít nhà dân tộc học và sử học nước ta chịu ảnh hưởng của giới học thuật ở Liên Xô (cũ) thời bấy giờ đã đề xuất quan điểm về xây dựng cộng đồng dân tộc xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn và không phổ biến. Điều này cho thấy sự sáng suốt trong lựa chọn các mô hình phát triển đất nước trong điều kiện cụ thể của dân tộc Việt Nam ta.
Có thể nói, đây là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Các Mác và các nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lê nin vào thực tiễn Việt Nam của Đảng và Nhà nước ta. Bởi vì, cách mạng Việt Nam nói chung và cách mạng dân tộc nói riêng do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo diễn ra và thành công khi đất nước đang bị chủ nghĩa tư bản đế quốc đô hộ, áp đặt chế độ cai trị nửa thực dân phong kiến. Trong bối cảnh đó, chỉ có tộc người Việt và tộc người Hoa là đang trong thời kỳ phong kiến và có yếu tố kinh tế tư bản chủ nghĩa; một số tộc người khác như Khơ-me, Chăm... đang ở giai đoạn phong kiến; một số tộc người như Thái, Tày, Hmông, Ê-đê, Gia-rai... tiền phong kiến hay giai đoạn sớm của chế độ phong kiến; còn đại bộ phận các tộc người khác, nhất là những cư dân ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đều đang ở giai đoạn thị tộc tan rã để hình thành các liên minh bộ lạc. Trong khi, sau năm 1945 cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công, sau 1954 hòa bình lập lại ở miền Bắc và sau 1975 đất nước hoàn toàn giải póng, các tộc người trên cả nước ta cùng nhau đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này cho thấy, nếu không giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và cách mạng dân tộc như trên đã trình bày thì tình trạng bất bình đẳng và bóc lột giữa các tộc người ở nước ta sẽ còn tiếp tục diễn ra.
Tài liệu tham khảo
1. Các Mác - Ph. Ăng ghen (1974), Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
2. Các Mác (1976), Những hình thức có trước sản xuất tư bản chủ nghĩa, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
3. Phan Huy Lê (1981), “Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam”, Tạp chí Dân tộc học, số 1, Hà Nội.
4. Phan Huy Lê (1982), “Quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam”, Tạp chí Dân tộc học, số 2, Hà Nội.
5. Stalin (1957), Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
6. Hà Văn Tấn (1980), “Về khái niệm “dân tộc” (Nation) của Mác và Ăng-ghen và sự hình thành dân tộc Việt”, Tại chí Dân tộc học, số 2, Hà Nội.
7. Đặng Nghiêm Vạn (2003), Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
[1] Pierre-Richard Fe’ray (1979), Le Viet Nam au XXè siecle, Paris. Dẫn theo Phan Huy Lê (1981: 8)