Nghiên cứu biểu tượng nhằm giải mã các thành tố văn hóa được hình thành trong đời sống con người đã và đang là một chủ đề thu hút sự quan tâm của giới nhân học trên thế giới trong một vài thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu biểu tượng - tiếp cận dưới góc độ nhân học - dường như là một khoảng trống còn bỏ ngỏ ở Việt Nam. Nghiên cứu biểu tượng là lĩnh vực nghiên cứu liên ngành hướng tới chiều sâu diễn giải về tính đa nghĩa và trừu tượng của các biểu tượng. Các đặc tính này đôi khi dẫn đến những hoài nghi về tính khả thi và hướng khai triển phù hợp đối với nhân học biểu tượng trong bối cảnh Việt Nam. Trong bối cảnh đó, cuốn sách “Nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận lý thuyết” của Đinh Hồng Hải hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề này trên bình diện lý thuyết liên ngành. Cuốn sách này không chỉ thể hiện nỗ lực và niềm đam mê học thuật của tác giả, mà nó còn đóng góp những luận giải học thuật và sẻ chia những trải nghiệm quý giá liên quan đến nghiên cứu biểu tượng dưới góc nhìn nhân học.
Trước hết, cuốn sách là một tập hợp các vấn đề học thuật từ một hành trình trải nghiệm nghiên cứu biểu tượng của tác giả ở Việt Nam và một số nước trên thế giới (Ấn Độ, Mỹ...)1. “Nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận lý thuyết” vì thế không chỉ là một công trình học thuật nghiêm cẩn, mà còn là ánh mắt dõi về một hành trình dài mà tác giả đã đi qua để chia sẻ và cống hiến những tri thức gặt hái được đến độc giả.
Cuốn sách có cấu trúc chặt chẽ dựa trên một lối tư duy mạch lạc, khởi nguồn từ những câu hỏi trực tiếp đối với lĩnh vực nghiên cứu biểu tượng. Từ góc nhìn của một độc giả là một nhà nhân học, cuốn sách đã giải quyết được các vấn đề căn bản như: 1) Tổng quan về nghiên cứu biểu tượng; 2) Vai trò của các biểu tượng; 3) Văn hóa và biểu tượng; và 4) Nghiên cứu biểu tượng ở Việt Nam. Trong khi thừa nhận tính chất bắt buộc của phương pháp liên ngành trong nghiên cứu biểu tượng, Đinh Hồng Hải tìm về bản thể luận của hướng tiếp cận này từ cấu trúc luận trong ngôn ngữ học. Từ quan điểm của Raymond Firth, tác giả chỉ ra ảnh hưởng của chủ nghĩa cấu trúc vượt ra ngoài lĩnh vực Ngôn ngữ học tới Nhân học trở thành việc giải thích ý nghĩa của các biểu tượng trong các nền văn hóa mà nhà nhân học đang nghiên cứu. Nhân học biểu tượng về bản chất hướng đến việc giải mã những thành tố văn hóa trong đời sống con người, và được biết với một tên gọi khác là nhân học diễn giải.
Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh từ việc diễn giải ý nghĩa các biểu tượng trong Nhân học thập kỷ 70-80 của thế kỷ XX dẫn đến nhiều tranh luận về giá trị và giới hạn của sự diễn giải các biểu tượng. Có thể thấy, các biểu tượng hàm chứa tính đa nghĩa và trừu tượng nên việc diễn giải chúng yêu cầu nhà nghiên cứu phải gắn chặt với bối cảnh văn hóa và xã hội mà anh ta thực hiện, nếu không, sẽ dễ khiến người ta lạc vào “rừng biểu tượng” - thuật ngữ của Victor Turner. Khu “rừng biểu tượng” này khiến cho Nhân học biểu tượng phát triển rộng khắp trong thập kỷ 70-80 rồi nhanh chóng bước vào thoái trào trong thập kỷ 90 khi bài toán khoa học xã hội cũng yêu cầu cần có một đáp án nhất định cũng như một định hướng rõ ràng. Việc mở rộng quá mức giới hạn của những diễn giải về biểu tượng khiến người ta hoang mang hơn trong nỗ lực tìm hiểu biểu tượng như những “đơn vị cơ bản của văn hóa” - theo quan điểm của Victor Turner. Để không “lạc” vào “rừng biểu tượng” như Victor Turner đã cảnh báo, Đinh Hồng Hải đề xuất hướng nghiên cứu biểu tượng khả dụng nhất trong Nhân học hiện nay chính là lĩnh vực Nhân học nghệ thuật. Ở đây, tác giả đặc biệt lưu tâm độc giả hướng đến góc nhìn mới mà Alfred Gell là người khởi xướng, dựa trên phát hiện của Gell về mối quan hệ đặc biệt giữa kỹ thuật và ma thuật cùng với nghệ thuật và tác lực.
Để giúp độc giả hình dung rõ ràng hơn về khung lý thuyết nghiên cứu biểu tượng với hướng tiếp cận liên ngành, trong phần hai và phần ba, tác giả đã tuyển dịch những nội dung trọng yếu nhất luận giải về lĩnh vực này của các học giả hàng đầu về biểu tượng luận, quyền năng của các biểu tượng, quan điểm nhân học về vấn đề sử dụng biểu tượng, các biểu tượng trong nghệ thuật, các biểu tượng trong tôn giáo, văn học, đặc tính thế giới quan và sự phân tích các biểu tượng thiêng, hiệu quả của các biểu tượng… Với Đinh Hồng Hải, nghiên cứu biểu tượng không phải quá mới lạ ở Việt Nam. Như tác giả phát hiện ra, từ nhiều thập kỷ trước, đã có những nghiên cứu “kinh điển” của Nguyễn Từ Chi, nhưng do hoàn cảnh lịch sử khi đó, chưa có một tuyên bố chính thức nào về nghiên cứu biểu tượng từ góc nhìn của các nhà nhân học.
Nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận lý thuyết là một công trình nghiên cứu có giá trị học thuật hướng đến bài toán lý thuyết khung, giúp tìm lời giải đáp cho sự thiếu hụt phương pháp luận nghiên cứu biểu tượng nói chung và trong Nhân học nói riêng. Đinh Hồng Hải, với tư cách là một học giả đặt trọng tâm nghiên cứu về chủ đề này đã có những đóng góp quan trọng trong việc cung cấp thêm những thông tin cốt yếu về lĩnh vực hiện ở Việt Nam còn chưa có đầy đủ thông tin này. Cuốn sách của Đinh Hồng Hải là một tài liệu tham khảo bổ ích đối những ai quan tâm đến nghiên cứu biểu tượng. Cuốn sách, tự thân nó, đặt ra một câu hỏi rất quan trọng: Đến lúc nào thì các phân ngành Nhân học ở Việt Nam sẽ hoàn bị những con đường tắt “lý thuyết khung” cho những mối quan tâm nhân học trong bối cảnh Việt Nam đương đại?
Nguyễn Anh Tuấn